Áp lực trong công việc, gia đình, điều kiện sống khó khăn, mâu thuẫn trong các mối quan hệ, lo lắng về sức khỏe, ... làm cho con người cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Đó là stress
Nếu stress cứ liên tục tái diễn hoặc kéo dài, sẽ đưa tới nhiều ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe.
Hậu quả của stress: rất nhiều hậu quả tai hại và trầm trọng
1. Trí óc sẽ bị tổn thương vì ảnh hưởng của quá nhiều các loại hormon glucocorticoid sản xuất từ nang thượng thận. Khả năng nhận xét giảm, trí nhớ rối loạn, tính tình cau có, dễ giận dữ, tâm trạng mệt mỏi, cơ thể suy nhược, có thể rơi vào vòng trầm cảm, lo lắng, hay khóc, mất ngủ, giảm khả năng làm việc, lạm dụng rượu, thuốc cấm.
2. Hoạt động tim mạch rối loạn. Hormon do stress khiến cho nhịp tim nhanh, mạch máu co hẹp, huyết áp và nhịp tim thường trực lên cao, khiến cho tim mệt mỏi, tính đàn hồi của mạch máu giảm đưa tới bệnh tim mạch, máu cục, rồi một ngày nào đó có thể bị tai biến não.
3. Stress khiến cho tình trạng bệnh hen suyễn, nghẹt phế quản trở nên trầm trọng hơn. Tiêu hóa rối loạn, dạ dày không có đủ máu nuôi dưỡng, niêm mạc bao tử tổn thương, đưa nôn ói, khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy, trào ngược thực quản, giảm cân, rồi loét dạ dày, viêm ruột già.
4. Hệ miễn dịch suy yếu, sức đề kháng với các bệnh nhiễm giảm, dễ nhiễm trùng, cảm cúm.
5. Stress khiến cơ thể mập hơn vì chất béo được huy động để tăng năng lượng. Chúng sẽ tập trung nhiều hơn ở vùng bụng, vùng mông, mặc dù các vùng khác vẫn mỏng manh.
6. Cơ bắp căng đau nhất là ở vùng lưng, cổ, bả vai, da đầu.
7. Da khô, vẩy nến, viêm, trứng cá, lở môi, lở miệng.
8. Tóc rụng, nhưng may mắn là hết stress thì tóc mọc lại.
9. Người bị stress, đêm nằm ngủ thường hay nghiến răng, sẽ đưa tới đau nhức khớp xương hàm, không chăm sóc răng lợi chu đáo, sâu răng.
10. Trong trường hợp trầm trọng, nạn nhân của stress có thể rơi vào một tâm bệnh gọi là Hội chứng Hậu Chấn Thương (Post Traumatic Stress Syndrome). Bệnh nhân sẽ sống trong tâm trạng bất ổn, có những ác mộng, những hồi tưởng lại kinh nghiệm đau thương trong quá khứ, sức khỏe tổng quát suy giảm.
Đối phó với stress:
Sống không có stress là điều khó có thể thực hiện được, nhất là trong hoàn cảnh xã hội có nhiều biến đổi, kinh tế khó khăn, đạo đức xuống dốc như hiện nay.
Làm sao để đối phó với stress, mới là điều cần thiết.
Mỗi người có những phương cách riêng để giải quyết khó khăn của mình.
Sau đây là một vài gợi ý:
1-Tìm hiểu nguồn gốc của stress. Có thể là do gập ghềnh trong giao tế nhân sự, khó khăn trong công việc làm ăn, thất thoát tài chánh, suy yếu sức khỏe, gia đạo bất an...Biết để tìm cách xả stress.
2-Sắp đặt lại công việc hàng ngày, theo thứ tự ưu tiên, quan trọng.
3-Đặt giới hạn cho các tham gia, cam kết với các sinh hoạt trong đời sống, tránh ôm đồm quá sức. Đừng cố quá để rồi thành "quá cố".
4-Đừng coi thường sức khỏe, lắng nghe tiếng cầu cứu của một cơ thể bị lạm dụng lao động quá mức.
5-Cân bằng đời sống, chia thì giờ cho việc làm, ăn uống, ngủ nghỉ.
6-Năng vận động cơ thể. Đang căng thẳng mà làm mươi phút đi bộ, bơi lội, hít thở thì stress cũng giảm cường độ khá nhiều.
7-Dành thì giờ để giải trí với gia đình bạn bè.
8-Áp dụng các phương pháp đối phó với stress như thư giãn thiền định, hít thở sâu, thoa bóp; tạm rời công việc để "xả xú báp" và "tái nạp bình điện".
9-Tâm sự chia sẻ khó khăn của mình với người đáng tin cậy để nhờ góp ý.
10-Duy trì một tâm trạng hài hước. Cười là 10 thang thuốc bổ.
11-Đề cao cảnh giác, nhận diện và chú ý tới các dấu hiệu báo động sự xuất hiện của stress và sẵn sàng giải quyết.
12-Ghi nhớ các hoàn cảnh stress xảy ra, ở đâu, vào thời điểm nào, tại sao xảy ra. Biết để tránh.
13-Tránh những stress nào có thể tránh được.
14- Giải quyết stress với các khả năng hiện có. Với những stress bướng bỉnh, không giải quyết được thì để một bên, giải quyết sau.
Kết luận
Xin ghi nhớ là những cảm giác không vui như sợ hãi, lo âu, giận dữ, bực tức phát xuất từ phản ứng của ta mà ra, chứ không phải từ stress.
Nếu ta kiểm soát được các phản ứng này, là ta đã tạo được một tâm trạng bình an, thoải mái trong đời sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét