Thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Ngày hội Phòng chống bệnh đái tháo đường diễn ra ngày 14/11 tại Hà Nội.
Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, đái tháo đường đang là một trong những bệnh nội tiết phổ biết nhất trên thế giới. Theo Liên đoàn phòng chống Đái tháo đường Thế giới, đây không còn là bệnh của người giàu mà đang gia tăng nhanh chóng ở mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là người có sự thay đổi về lối sống, ít vận động. Đây là vấn đề sức khỏe quan trọng, thách thức lớn với tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam.
“Tại đất nước ta sau hơn 30 năm công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ lệ mắc đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng. Bệnh không chỉ xuất hiện ở thành phố lớn mà khắp mọi miền đất nước, từ miền núi đến trung du, đồng bằng. Chỉ sau 10 năm số mắc đã tăng gấp đôi. Điều đó cho thấy đái tháo đường đang là bệnh có tốc độ gia tăng rất lớn trong cộng đồng”, tiến sĩ Vinh cho biết.
Đái tháo đường đang trở thành đại dịch trên toàn cầu |
Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế, tỷ lệ đái tháo đường của người Việt năm 2013 đang ở mức 5,7% và số lượng bệnh nhân đang có chiều hướng tăng gấp đôi vào năm 2030. Trên 60% người mắc bệnh trong cộng đồng không được phát hiện, khi phát hiện đã có nhiều biến chứng nguy hiểm như: tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân đái tháo đường...
Tiến sĩ Đỗ Trung Quân, Phó chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cho biết, ngay cả những người đã được chẩn đoán cũng chưa được điều trị đúng mức và đa số đều không đạt được mục tiêu điều trị. Cứ 10 bệnh nhân được chẩn đoán bệnh thì 6 người đã bị biến chứng.
“Tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng, nếu chúng ta có ý thức phòng bệnh (ăn uống hợp lý và hoạt động thể lực thường xuyên như đi bộ vào buổi sáng) thì có thể giảm được tỷ lệ người mắc. Còn nếu người đã mắc bệnh thì ngăn để không cho các biến chứng xuất hiện; khi biến chứng đã xuất hiện thì làm cho các biến chứng không nặng thêm”, tiến sĩ Quân chia sẻ.
Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cũng nhấn mạnh: “Nhận thức và lo ngại mức độ nguy hiểm của căn bệnh mới chỉ là điều kiện cần, những hành động như thăm khám bệnh định kỳ, lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn mới chính là điều kiện đủ để giảm thiểu bệnh”.
Rối loạn dung nạp đường (biểu thị bằng lượng đường trong máu cao) là yếu tố tiên lượng quan trọng của bệnh đái tháo đường trong vòng 5 năm tới. Tỷ lệ rối loạn dung nạp đường hiện ảnh hưởng đến 5,4 triệu người, chiếm 9,5% dân số trưởng thành ở Việt Nam. Đây là một con số không nhỏ. Do đó, yếu tố ăn uống và lối sống lành mạnh là yếu tố quan trọng nhất trong điều trị và phòng bệnh.
Người bệnh cần chú ý đến chế độ ăn và vận động: giảm các loại thức ăn chiên xào và nhiều dầu mỡ; ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, rau, trái cây; giảm cân bằng cách tập thể dục; tập ngồi thiền để giảm stress. Trong những ngày bị bệnh thì nên thay thế chất bột đường bằng thức ăn mềm hoặc lỏng dễ tiêu; tránh thức ăn cay; không bao giờ bỏ tiêm insulin ngay cả khi ăn kiêng; kiểm tra đường huyết mỗi 4 giờ; uống nước lọc và thức ăn nhẹ; nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
Đặc biệt, bệnh nhân cũng cần chú ý chăm sóc bàn chân để tránh biến chứng. Cụ thể, rửa chân hàng ngày với xà phòng và nước ấm, sau đó lau chân thật khô, đặc biệt là ở các kẽ ngón chân. Chú ý cắt móng cẩn thận, móng mọc vào trong và nốt chai cần được nhân viên y tế chăm sóc; giữ cho da chân luôn mềm mại bằng kem dưỡng ẩm, nhưng không được bôi kem vào các kẽ ngón chân; mang vớ sạch mềm, không quá chật hay rộng, thay vớ hàng ngày. Tự kiểm tra chân hàng ngày và đi khám bác sĩ ngay nếu có gì bất thường. Không bao giờ đi chân đất ngoài đường cũng như trong nhà, luôn mang giầy hoặc xăng đan vừa chân và bảo vệ tốt chân. Kiểm tra giầy dép thật kỹ trước khi xỏ vào, viên sỏi, đường may hay bất cứ vật gì bên trong giày đều có thể gây tổn thương bàn chân.
Ngày hội Phòng chống bệnh đái tháo đường được tổ chức vào 3 ngày (14-16/11) tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Người dân sẽ được thử máu miễn phí, đo đường huyết, tư vấn y khoa cho những người có đường huyết cao...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét