15/11/13

Người thành thị bị bệnh đái tháo đường tấn công

Cứ 100 người trong độ tuổi từ 30 đến 69 tại TP HCM thì có khoảng 11 người mắc bệnh đái tháo đường. Không ít người bị biến chứng phải cắt chân, nằm liệt và tử vong.

Phát biểu tại mít-tinh hưởng ứng ngày quốc tế Đái tháo đường 2013 diễn ra ngày 12/11 tại TP HCM, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng thành phố cho biết theo điều tra dịch tễ học mới nhất, tỷ lệ người lớn mắc bệnh là 11,4%. Riêng số người bị rối loạn chuyển hóa đường (hay còn gọi là tiền đái tháo đường) lên đến 31,1%.

“Nếu so sánh số liệu điều tra vào các năm 2004 và 2008, bệnh đái tháo đường đã tăng 162% sau 4 năm và 300% sau 8 năm. Đây là vấn đề cần cảnh báo”, bà Diệp nói.

dai-thao-duong-7189-1384254773.jpg
Nhiều người mắc bệnh đái tháo đường nhưng không biết mình mắc bệnh

Kết quả điều tra mới nhất do Bệnh viện Nội tiết Trung ương thực hiện cũng cho thấy tỷ lệ người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường nói chung tại Việt Nam là 5,7%. Tốc độ gia tăng của bệnh đặc biệt cao tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội. Tốc độ này cũng cao hơn nhiều so với bình quân của các nước phát triển và các nước trong khu vực.

Theo các chuyên gia, bệnh này không lây. Nguyên nhân chính của sự gia tăng bệnh đái tháo đường là do quá trình đô thị hoá và sự phát triển kinh tế kéo theo những thay đổi lối sống theo chiều hướng không có lợi cho sức khỏe. Trong đó hai yếu tố chính liên quan đến cá nhân người mắc bệnh là dinh dưỡng và vận động không hợp lý. Nhiều người có chế độ dinh dưỡng sai và quá ít vận động.

Nhận thức về bệnh đái tháo đường trong người dân còn hạn chế. Nhiều người vẫn cho rằng bệnh này của nhà giàu, người già, của người thành phố. "Có đến 65% người mắc bệnh đái tháo đường không biết mình bị mắc bệnh. Họ chỉ phát hiện do tình cờ được xét nghiệm máu, hoặc khi bệnh đã biến chứng”, bác sĩ Diệp cho hay.

Theo các bác sĩ y tế cộng đồng, biến chứng cấp tính của đái tháo đường là hôn mê do tăng hoặc hạ đường huyết quá mức, có thể gây tử vong nhanh chóng. Biến chứng mãn tính là bệnh lý võng mạc gây mù lòa, suy thận, suy động mạch vành, tai biến mạch máu não, hẹp và viêm tắc động mạch chi dưới, tổn thương thần kinh ngoại vi, các biến chứng nhiễm trùng ở da, niêm mạc, đường hô hấp, tiết niệu, sinh dục.

Để tránh mắc bệnh, cần ăn đủ và cân đối. Cụ thể là nên ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm từ 15 đến 20 loại mỗi ngày nhằm cung cấp đa dạng chất dinh dưỡng cho cơ thể, nhiều thực phẩm nguồn gốc thực vật. Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Ăn thức ăn giàu đạm với tỷ lệ cân đối giữa nguồn thực vật và động vật, tăng cường ăn cá. Tỷ lệ đạm động vật nên chiếm ít hơn lượng đạm trong khẩu phần hàng ngày. Nên sử dụng chất béo ở mức hợp lý, chú ý phối hợp giữa dầu thực vật và mỡ động vật. Tỷ lệ chất béo động vật không nên vượt quá 1/3 lượng chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Ăn rau, củ, quả hàng ngày để có đầy đủ nhiều loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đồng thời  có nhiều chất xơ giúp hạn chế tăng đường huyết nhanh sau ăn. Đặc biệt không ăn mặn, sử dụng muối iốt trong chế biến thức ăn. Nên ăn muối ở mức 5g/người/ngày. Uống đủ nước chín hàng ngày, hạn chế rượu bia, đồ ngọt. Nên tập thể dục thể thao thường xuyên và điều độ ít nhất mỗi tuần 5 lần, mỗi lần từ 30 đến 60 phút.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét