Rối loạn cương dương (ED: Erectile Dysfunction)
Rối loạn cương dương (RLCD) hay còn gọi là bất lực, là một tình trạng rối loạn với biểu hiện dương vật không thể cương cứng hay không duy trì được sự cương cứng trong quá trình giao hợp.
RLCD thường tăng dần theo tuổi tác và ở người cao tuổi có khoảng 15 - 25% bị RLCD.
RLCD xảy ra khi các mạch máu lưu thông tới dương vật bị hẹp hay tắc nghẽn, cơ thể mất cân bằng nội tiết tố hoặc khi hoạt động của các dây thần kinh kích thích sự cương cứng bị rối loạn.
Có nhiều nguyên nhân gây ra RLCD:
Nguyên nhân sinh lý:
- Một số bệnh lý mãn tính là nguyên nhân gây ra RLCD: bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, xơ vữa động mạch…
- Do mất cân bằng nội tiết tố: sự giảm sút testosteron là nguyên nhân gây ra RLCD.
- Do tổn thương các dây thần kinh kích thích sự cương cứng.
Các nguyên nhân sinh lý trên thường xảy ra ở người cao tuổi. Khi cơ thể lão hóa, hệ miễn dịch suy yếu nên thường mắc phải nhiều bệnh lý mãn tính (cao huyết áp, đái tháo đường…) ảnh hưởng đến các mạch máu và làm tổn thương các dây thần kinh.
Bên cạnh đó, sự suy giảm của hệ nội tiết cũng làm sụt giảm testosteron ở người cao tuổi.
Nguyên nhân tâm lý:
- Sự căng thẳng (stress).
- Sự lo âu, trầm cảm.
- Nỗi sợ hãi về sự thất bại trong quan hệ tình dục.
- Những vấn đề trong quan hệ vợ chồng…
Nguyên nhân do lối sống:
- Béo phì.
- Uống rượu hay hút thuốc lá nhiều.
- Lạm dụng các chất gây nghiện…
Nguyên nhân do tác dụng phụ của thuốc:
Ở người cao tuổi thường phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau. Một số loại thuốc khi được sử dụng trong một thời gian dài, sẽ phát sinh các tác dụng phụ gây RLCD như: thuốc cao huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần…
Thuốc cao huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần... có tác dụng phụ gây rối loạn cương dương |
- Nhóm thuốc cao huyết áp: methyldopa, nifedipin, captopril, atenolol, furosemid…
- Nhóm thuốc chống trầm cảm: fluoxetin, sertralin, amitriptylin, nortriptylin…
- Nhóm thuốc an thần: diazepam, lorazepam, buspiron…
- Nhóm thuốc kháng histamine H2: cimetidin, ranitidine, nizatidin…
Vì vậy, trong quá trình sử dụng thuốc nếu thấy xuất hiện tình trạng RLCD, cần phải thông báo cho thầy thuốc, để có thể thay thế các loại thuốc khác không gây ra tác dụng phụ RLCD.
Thuốc điều trị
Nhóm thuốc ức chế enzym phosphodiesterase-5 (PDE-5):
Đây là các thuốc được sử dụng chủ yếu trong điều trị RLCD hiện nay, gồm có sildenafil (viagra), tadalafil (cialis), vardenafil (levitra)…
Khi có sự kích thích tình dục, nitric oxyt (NO) sẽ được phóng thích và kích thích quá trình tổng hợp GMP (guanosin monophosphat) vòng làm tăng lưu lượng máu đến dương vật, gây cương cứng.
Nhóm thuốc ức chế PDE-5 làm tăng sự cương cứng dương vật do làm tăng GMP vòng.
Khi sử dụng nhóm thuốc ức chế PDE-5 cần lưu ý:
- Không được sử dụng cho người có bệnh lý mạch vành (nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, suy tim…), người bị đột quỵ, hạ huyết áp, suy gan, suy thận…
- Không được sử dụng đồng thời với thuốc có chứa nitrat như nitroglycerin, vì sẽ gây tác hại nguy hiểm trên tim.
- Thận trọng khi sử dụng đồng thời với các thuốc cao huyết áp nhóm chẹn alpha như: doxazosin, terazosin… vì gia tăng nguy cơ hạ huyết áp
- Để đạt hiệu quả cao nhất, các thuốc này nên uống trước khi giao hợp 30 - 60 phút.
- Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như: đau đầu, đau cơ, khó tiêu, đỏ bừng mặt, mờ mắt…
Bổ sung testosteron: khi nguyên nhân gây ra RLCD là do sự sụt giảm testosteron trong cơ thể. Testosteron thường được trình bày ở dạng thuốc tiêm, thuốc viên, thuốc dán ngoài da…
Alprostadil là thuốc giãn mạch làm giãn nở các mạch máu, giúp tăng cường lưu lượng máu đến dương vật, gây cương cứng.
Alprostadil thường được trình bày ở dạng thuốc tiêm hay dạng thuốc đạn nhét vào đầu dương vật.
Cần lưu ý: các loại thuốc trên có thể gây ra nhiều tác dụng phụ có hại, nên người cao tuổi không được tự ý sử dụng, cần phải được thăm khám và chỉ định điều trị của thầy thuốc chuyên khoa.
Ngoài việc điều trị bằng thuốc hay bằng liệu pháp tâm lý, sự thay đổi lối sống bằng cách tăng cường vận động, giảm cân chống béo phì, không hút thuốc, hạn chế bia rượu, cai nghiện ma túy… sẽ giúp cải thiện tốt tình trạng RLCD.
DS. MAI XUÂN DŨNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét