20/12/13

Testosterone và tuổi thọ

Testosterone đóng vai trò quan trọng giúp điều hòa chức năng tim, sản xuất tinh trùng, duy trì sức khỏe của xương, tạo khối lượng cơ. 

Suy giảm testosterone sẽ ảnh hưởng đến một loạt chức năng như giảm ham muốn tình dục, yếu cơ, tăng mỡ bụng, tâm trạng bất ổn, giảm trí nhớ... Với nam giới, testosterone được sản xuất nhiều nhất tại tinh hoàn và tuyến thượng thận, trong khi ở nữ giới thì chủ yếu là buồng trứng và tuyến thượng thận. Gần đây, giới khoa học ghi nhận hormone then chốt này còn đóng nhiều vai trò quan trọng khác.

Testosterone và tuổi thọ

Nồng độ testosterone và tuổi thọ

Một nghiên cứu gần đây xuất hiện trên tạp chí The Endocrine Society's Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism (JCEM) phát hiện ra rằng, những người đàn ông lớn tuổi có nồng độ testosterone trung bình có xu hướng sống lâu hơn những người có hàm lượng testosterone quá ít hoặc quá nhiều. Giáo sư Bu Beng Yeap ở Đại học Tây Úc, tác giả chính của nghiên cứu đăng trên tạp chí JCEM, cho biết khi cơ thể chuyển hóa testosterone sẽ tạo ra dihydrotestosterone (DHT), một chất hóa học trong cơ thể giúp kéo giảm nguy cơ thiếu máu cục bộ tim. Cuối cùng ông và các đồng nghiệp kết luận rằng hàm lượng testosterone lý tưởng và nồng độ DHT hợp lý có thể giúp nam giới duy trì tình trạng sức khỏe ổn định.

Các nhà nghiên cứu đi đến kết luận này sau khi tiến hành một cuộc khảo sát 3.690 nam giới trong độ tuổi từ 70 - 89 tại Perth, Úc. Cuộc khảo sát bắt đầu từ năm 2001 đến năm 2004 và tỷ lệ tử vong được ghi nhận đến tháng 12.2010 như sau: những người đàn ông có mức testosterone thấp chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất, kế đến là những người đàn ông có mức testosterone cao. Nhóm có triển vọng sống lâu nhất là những người có chỉ số testosterone trung bình trong khoảng 9,8 - 15,8 nmol/l.

Duy trì mức testosterone ổn định

Sự thiếu hụt testosterone thường không có dấu hiệu để nhận biết cho đến khi cơ thể thật sự báo động. Vì thế, chìa khóa vàng để định lượng testosterone là khẩu phần ăn phải giàu các thành phần kháng viêm. Chất này có nhiều trong rau cải và trái cây. Song song đó, các chuyên gia dinh dưỡng còn cho biết cơ thể đàn ông rất cần chất béo để sản xuất ra testosterone và kẽm có chức năng giúp cơ thể chuyển đổi hormone estrogen thành testosterone. Cùng với chế độ dinh dưỡng phù hợp, việc tập luyện thể thao đều đặn cũng góp phần tích cực làm tăng nồng độ testosterone trong cơ thể.

Theo Foxnews - một kênh thông tin của Mỹ, rối loạn giấc ngủ thường xuyên hoặc căng thẳng được xem là những nguyên nhân làm giảm nồng độ testosterone. Kết quả nghiên cứu tại Đại học Chicago (Mỹ), nam giới ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày có nồng độ testosterone thấp hơn những người ngủ đủ giấc 8 tiếng; còn căng thẳng khiến cơ thể giải phóng hormone cortisol - hormone ức chế việc sản xuất testosterone. Vì vậy, hãy đảm bảo ngủ đủ giấc và tránh xa căng thẳng. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét