15/2/14

Béo phì - Mối nguy của bệnh đái tháo đường

Béo phì có cơ chế bệnh sinh rất phức tạp, nhưng các yếu tố nguy cơ gây bệnh thì lại khá rõ ràng. Cân nặng thấp khi sinh dễ trở nên béo phì ở tuổi trưởng thành. Đây cũng là đối tượng dễ bị mắc hội chứng chuyển hóa (béo trung tâm, rối loạn dung nạp glucose, kháng insulin, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp).

Béo phì và vấn đề kháng insulin
Năm 1962, James Neel đã giả thiết rằng sở dĩ bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) phát triển nhanh trên mức độ toàn cầu vì có những yếu tố trợ giúp trong môi trường vào yếu tố tiềm tàng có sẵn trong cơ thể; đó là yếu tố gen. 20 năm sau, cũng chính Neel đã cải chính lại giả thiết của ông chỉ đúng với ĐTĐ không phụ thuộc insulin.

Béo phì - Mối nguy của bệnh đái tháo đường
Điểm chính yếu của giả thuyết này là yếu tố về “gen tiết kiệm”. Ngày nay khi mà xã hội đạt tới mức xã hội hóa cao, lao động thể lực giảm xuống, tình trạng thừa mỡ, thừa năng lượng tăng lên thì yếu tố này cũng được xem là thủ phạm của cả bệnh béo phì và ĐTĐ typ 2. Trong thực tế nhiều bằng chứng khoa học chứng minh rằng giảm cân cải thiện tình trạng tăng nhạy cảm của insulin và ngược lại

Đã có nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy những biến chứng của béo phì như ĐTĐ là kết quả của chuyển hóa bất thường của sự dư thừa các acid béo tự do, các triglyceride trong các tế bào không phải tế bào mỡ. Các nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng các tế bào beta của đảo tụy khi bị tích lũy quá nhiều mỡ sẽ bị nhiễm độc mỡ. Chính nhiễm độc lipid là nguyên nhân gây chết tế bào. Đây cũng là luận cứ để giải thích sự tiến triển tịnh tiến, lâu dài hàng chục năm giai đoạn tiền lâm sàng của người mắc bệnh ĐTĐ typ 2. Ngày nay giai đoạn này được gọi là giai đoạn “tiền ĐTĐ”.

Trong bệnh béo phì, quá trình tích lũy mỡ xảy ra trong một thời gian dài, do đó sự suy giảm khả năng tự bảo vệ chống lại quá trình nhiễm mỡ có thể xảy ra ở một số thời điểm và triglyceride dần được tích lũy lại. Người ta thấy ở người béo phì, ĐTĐ lâm sàng thường xuất hiện sau khi 50-70% tế bào tiểu đảo tụy bị tổn thương, trong khi thực nghiệm bằng cách cắt bỏ tụy thì phải trên 90% lượng tế bào đảo bị cắt bỏ, bệnh ĐTĐ mới xuất hiện.

Cũng trong thực nghiệm, nếu dùng leptin – một hormone có vai trò chống lại quá trình nhiễm mỡ, làm giảm lượng triglyceride trong tế bào thì khả năng bài tiết insulin được kích thích bởi nồng độ glucose cao, lưu hành trong máu sẽ được khôi phục. Trong bệnh béo phì, mức acid béo tự do tăng mạn tính đã có tác động ức chế sự tiếp nhận các glucose được hoạt hóa bởi insulin.

Các nghiên cứu cũng cho thấy tăng mức acid béo tự do trong huyết tương gây ra một khiếm khuyết vận chuyển hoặc phosphoryl hóa, bằng chứng là hoạt tính của glycogen synthase bị ức chế rõ rệt vào đúng thời điểm thu nhận các thay đổi trạng thái lỏng của màng tế bào, gây ảnh hưởng đến thụ thể insulin được gắn vào lớp lipid kép của bào tương. Acid béo tự do cũng làm tăng đề kháng insulin ở gan (đề kháng trung tâm) – tuy vấn đề này vẫn đang được tranh luận.

Trong ĐTĐ typ 2 kháng insulin được xem là giai đoạn sớm của quá trình tiến triển bệnh. Thực tế, ngay ở giai đoạn này cùng với kháng insulin, nhiều rối loạn khác đã xảy ra. Cũng từ thực tế là rất nhiều người bệnh ĐTĐ typ 2 có nồng độ insulin trong máu bình thường thậm chí tăng cao, ngay sau khi ăn hoặc uống nước đường, người ta đã đặt ra giả thuyết là có sự suy giảm hoạt động của insulin nội sinh. Sự suy giảm này có thể xảy ra ở các khâu như giảm độ nhạy của insulin, giảm đáp ứng trong bài tiết insulin và cuối cùng là do cả hai nguyên nhân kể trên.

ĐTĐ typ 2 có rất nhiều yếu tố nguy cơ, trong đó béo phì là một trong những yếu tố đó. Những công bố gần đây nhất cho thấy chỉ số BMI ở người mắc bệnh ĐTĐ typ 2 ở Hong Kong với nam là 24,3kg/m3; với nữ là 23,2kg/m3. Điều tra dịch tễ học ĐTĐ quốc gia của Việt Nam cho thấy khi chỉ số BMI là 22,6kg/m3 đã có liên quan chặt chẽ với người mắc bệnh ĐTĐ.

Làm thế nào để phòng bệnh?
Béo phì là vấn đề sức khỏe cộng đồng, mọi người đều phải quan tâm. Để phòng chống bệnh thừa cân, béo phì có hiệu quả buộc phải có những chương trình quốc gia để quản lý, giám sát. Phòng chống bệnh béo phì có 3 mục tiêu tiếp cận với 3 mục đích khác nhau: Phòng bệnh chung (mức độ cộng đồng); phòng bệnh chọn lọc tập trung vào nhóm người có yếu tố nguy cơ; Phòng bệnh với những mục tiêu cụ thể, chọn lọc từ nhóm trên, để lấy ra những người được xem là có yếu tố nguy cơ nổi trội nhất, đặt ra những mục tiêu cụ thể buộc phải được hoàn thành trong những giai đoạn nhất định.

Béo phì - Mối nguy của bệnh đái tháo đường
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, nơi đang có những thay đổi nhanh chóng về môi trường sống, lối sống, đang có sự thay đổi đáng kể về mô hình bệnh tật. Cho tới nay, nhiều chuyên gia cho rằng ở khu vực này, nguyên nhân gây nên bệnh do các yếu tố môi trường, ngoại lai nhiều hơn là những khiếm khuyết trong chuyển hóa – vốn được coi là nguyên nhân chính trong bệnh căn của bệnh béo phì.

Để dự phòng bệnh ở cộng đồng chủ yếu bằng tuyên truyền, giáo dục để làm giảm cân bằng cách: thay đổi lối sống, tăng hoạt động thể lực, giảm và bỏ hẳn thuốc lá, hạn chế bia rượu và các thói quen có hại khác trong sinh hoạt.

Các đối tượng có yếu tố nguy cơ dễ mắc béo phì là những người có yếu tố gia đình, người lao động tĩnh tại, làm việc nhiều với máy tính…

Điều trị béo phì như thế nào?
Người ta đã ước tính chi phí cho điều trị béo phì là rất tốn kém, tuy nhiên nếu xét về mục đích dự phòng ĐTĐ typ 2 thì còn rẻ hơn nhiều. Cho đến nay điều trị béo phì chủ yếu vẫn là thực hiện chế độ ăn, chế độ luyện tập; những can thiệp y tế chỉ được đặt ra khi các biện pháp can thiệp trên không có kết quả.

Nhiều công trình khoa học đã chứng minh thay đổi lối sống bao gồm thực hiện hành vi, ăn uống hợp lý; tăng hoạt động thể lực sẽ cải thiện được tình trạng thừa cân. Nhiều quốc gia đã có chương trình hành động cụ thể và đã thu được kết quả tốt đẹp.

Về chế độ ăn, cần chọn những thực phẩm phổ biến, tiện lợi vốn rất nhiều ở nước ta; phân bố bữa ăn thích hợp; số lượng thực phẩm dành cho một bữa phù hợp, cố gắng không cần đến các bữa phụ. Tỷ lệ dầu mỡ cho người Việt Nam được đề nghị dưới 15%, tỉ lệ carbonhydrat 60-65%, protein dưới 15%. Ngoài ra hoa quả tươi, rau tươi và các thức ăn tự nhiên phải được tăng cường; hạn chế uống rượu bia.
Trong chiến lược phòng chống bệnh béo phì thì công tác giáo dục cho  cộng đồng nâng cao nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi để họ tự lựa chọn thực phẩm là yếu tố quyết định sự thành bại. Các chất ngọt không  năng lượng, các thực phẩm thay thế chất béo cũng nên được khuyến khích sử dụng.

Tăng cường hoạt động thể lực là yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công. Tăng hoạt động thể lực nhưng phải phối hợp với thực hiện chế độ ăn. Kế hoạch tăng cường hoạt động thể lực còn phải dựa vào tuổi, vào những ham muốn và sở thích cá nhân, dựa trên cơ sở thói quen tập tục văn hóa của từng dân tộc.

Chế độ thuốc
Thuốc chỉ nên dùng trong những trường hợp bắt buộc, phải xem thuốc là phương tiện trợ giúp cho chế độ ăn uống và luyện tập. Về sử dụng thuốc nên được cân nhắc khi:

Ăn nhiều hoặc luôn có cảm giác đói là nguyên nhân chính gây tăng cân. Nhiều yếu tố nguy cơ cùng xuất hiện như: rối loạn dung nạp glucose, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.

Các thuốc chống béo phì có thể chia ra 2 nhóm lớn là thuốc tác dụng lên hệ thần kinh trung ương và thuốc tác dụng lên hệ tiêu hóa. Tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ cho đơn thuốc phù hợp.

PGS. TS. Tạ Văn Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét