Đái tháo đường gây bệnh ở bàn chân
Hàng ngày, bàn chân phải chịu một khối lượng lớn trọng lực của toàn bộ cơ thể nên rất dễ tổn thương. Ở bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), đường huyết cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Vì thế, vết thương có thể bị loét, nhiễm khuẩn, có thể tiến triển thành hoại tử nếu không được điều trị đúng và kịp thời. Khi đó, nguy cơ cắt cụt chi là rất cao.
Tổn thương hay gặp ở bàn chân bao gồm:
Khô da: Ở bệnh ĐTĐ, dinh dưỡng nuôi da kém, do tổn thương thần kinh, thay đổi chuyển hóa khiến da trở nên thô ráp nứt nẻ, hay bị bong vảy.
Phòng ngừa biến chứng bàn chân do đái tháo đường
Thường xuyên kiểm tra định kỳ để phát hiện bất thường ở bàn chân
Nhiễm nấm: Các bệnh nấm có thể gặp là nấm móng, nấm gót chân. Biểu hiện: Móng chân, thường là ngón cái, bị đổi màu, bề mặt móng kém sáng bóng, dày và dễ mủn. Rìa móng xuất hiện các đám tổn thương là các sùi có màu trắng hoặc vàng, đôi khi có mủ.
Viêm dây thần kinh: Bệnh ĐTĐ làm tổn thương lớp màng bọc nuôi dưỡng dây thần kinh ngoại vi đi đến chân gây viêm dây thần kinh. Người bệnh có biểu hiện tê bì, da khô nứt nẻ, có cảm giác lạnh ở bàn chân.
Loét bàn chân: Đường huyết cao làm chậm sự liền vết thương, gây tổn thương mạch máu. Vết thương ở bàn chân dễ dàng “ăn” sâu đến xương, lộ gân có nguy cơ hỏng gân, hoại tử xương, phải cắt cụt chi.
Phòng ngừa biến chứng bàn chân do đái tháo đường
Cách chăm sóc bàn chân để phòng ngừa biến chứng
Giữ sạch chân: Hằng ngày, cần rửa sạch bàn chân nhẹ nhàng với nước ấm và xà phòng trung tính, chú ý rửa sạch kẽ giữa các ngón chân. Không ngâm chân trong nước quá lâu. Sau khi rửa, dùng khăn bông mềm thấm khô chân và các kẽ ngón chân. Nếu da chân khô, có thể dùng kem dưỡng da bôi lên trên mu chân và dưới lòng bàn chân để giữ ẩm cho da, không bôi kem vào kẽ ngón chân.
Cắt móng chân: Thường xuyên cắt móng chân. Nên cắt móng chân theo đường thẳng hoặc theo đường vòng của ngón, không cắt móng quá sát và không cắt sâu vào các góc móng.
Bảo vệ bàn chân: Không được đi chân trần, ngay cả khi đi trong nhà, bởi vì chân có thể bị tổn thương do va đập mà người bệnh không cảm nhận được. Nên đi giày đế bằng, chất liệu mềm, vừa chân.
Không đi giày cao gót hoặc các loại giày bó lấy bàn chân và gót chân. Nếu có điều kiện, nên đi giày dành cho người ĐTĐ. Khi đi giày, cần phải mang tất chân và thay tất hàng ngày. Chọn tất có màu sáng, làm bằng cotton hoặc sợi tổng hợp mềm, vừa chân. Không sử dụng các loại tất làm bằng chất liệu nilon hoặc tất bó. Trước khi đi giày và tháo giày, cần kiểm tra mặt trong của giày để chắc chắn không có vật gì trong giày có thể làm tổn thương chân.
Tập luyện bàn chân: Cần giữ cho mạch máu ở chân được lưu thông bằng cách đặt chân lên ghế ở tư thế ngang khi ngồi, không bắt chéo chân trong thời gian dài. Tập cử động các ngón chân trong khoảng 5 - 10 phút, vài lần trong ngày. Các hình thức luyện tập như: đi bộ, nhảy, bơi lội hoặc đạp xe chậm là những bài tập tốt cho chân, giúp cải thiện lưu thông mạch máu.
Thường xuyên kiểm tra bàn chân: Hàng ngày, nên quan sát kỹ xem có sự thay đổi màu da ở chân hay không; xem các kẽ ngón chân; tìm các vết nứt trên da, các vết phỏng rộp, vết thâm, các nốt chai chân và những chỗ đau trên da.
Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường như: Móng chân bị đổi màu, bị rối loạn cảm giác tại bàn chân, hay đau mỏi chân không đi được xa, có nốt sưng phồng, xuất hiện quá nhiều nốt chai chân…, người bệnh cần đi khám lại ngay để có chỉ định điều trị phù hợp, tuyệt đối không tự ý cắt bỏ chai chân.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét