11/1/14

Những hiện tượng lạ của cơ thể khi ngủ

Trong khi ngủ, cơ thể xảy ra hàng loạt các “triệu chứng” mà chúng ta khó hình dung, theo Woman’s Day.

Ngủ đủ giấc có thể giúp giảm cân - Ảnh: Shutterstock

Trọng lượng giảm: Một lý do khiến trọng lượng cơ thể nặng hơn vào ban ngày và nhẹ đi vào ban đêm là do hiện tượng mất nước thông qua mồ hôi và thở ra trong không khí ẩm vào ban đêm. Đây chính là yếu tố góp phần giúp bạn giảm cân.

Chiều cao tăng lên: Thường chúng ta không nhận thấy điều này, nhưng thực tế là cơ thể có khả năng cao lên trong khi ngủ. Các đĩa trong cột sống hoạt động giống như miếng đệm giữa các xương và sẽ lớn hơn một khi trọng lượng cơ thể không gây áp lực và đè lên chúng như là lúc đứng hoặc ngồi. Để tận dụng ưu thế này, khi ngủ nên nghiêng về một bên và ngủ cuộn tròn như tư thế bào thai.

Huyết áp và nhịp tim giảm: Khi nghỉ ngơi, cơ thể không cần làm việc chăm chỉ để bơm nhiều máu, vì vậy các cơ quan đều hoạt động chậm lại. Huyết áp giảm vào ban đêm để cơ tim và hệ tuần hoàn có thời gian thư giãn và sửa chữa. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có huyết áp cao. Họ cần ngủ ít nhất 7 tiếng/đêm để giảm nguy cơ bệnh tim.

Cơ bắp tạm thời tê liệt: Nghe có vẻ rất đáng sợ, nhưng nó thực sự giúp kiểm soát hành động trong những giấc mơ, tiến sĩ y khoa Lisa Shives, chuyên gia về giấc ngủ tại Evanston, đồng thời là chuyên gia y tế của trang SleepBetter.org cho biết. Diễn viên hài Mike Birbiglia (Mỹ), nhà văn và ngôi sao của bộ phim With Me đã mắc tình trạng hiếm gặp gọi là rối loạn hành vi khi ngủ. Trong các buổi biểu diễn của mình, anh chia sẻ mức độ nguy hiểm của việc bị mộng du (khi đó bạn có thể làm bất cứ điều gì khác lạ vào giữa đêm mà không thể kiểm soát được). Vì vậy, hiện tượng cơ bắp bị tê liệt trong lúc ngủ xem ra rất hữu ích.

Da sản xuất nhiều collagen hơn: Collagen là loại protein giúp tăng cường các mạch máu và tạo độ đàn hồi cho da. Vì vậy, trước khi ngủ, nên sử dụng kem dưỡng ẩm da, do chúng chứa chất làm tăng lượng collagen, giúp da chống lại các gốc tự do có hại, Melanie Palm, bác sĩ da liễu ở ĐH California (Mỹ) chia sẻ.

Nhiệt độ giảm xuống: Ngay trước khi đi vào giấc ngủ, nhiệt độ cơ thể bắt đầu giảm, Michael Breus, tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng và chuyên gia về giấc ngủ ở Scottsdale, Arizona (Mỹ) cho biết. Dấu hiệu giảm nhiệt độ này giúp bộ não giải phóng melatonin, yếu tố có ảnh hưởng đến nhịp sinh học và báo cho cơ thể biết rằng đã đến lúc đi ngủ. Nhiệt độ cơ thể thấp nhất là khoảng 2 giờ 30 đến lúc gần sáng, vì vậy hãy tăng nhiệt độ tại thời điểm đó bằng cách ôm vợ/chồng, hoặc đắp chăn, để cảm thấy ấm hơn.

“Xì hơi”: Ban đêm, cơ thắt hậu môn thường được nới lỏng nên rất dễ dẫn đến hiện tượng “xì hơi”. Tuy nhiên, có thể hoàn toàn yên tâm về điều này bởi khi ngủ khứu giác của chồng/vợ bạn mất đi tính nhạy cảm vốn có và họ sẽ không nhận biết được mùi gì cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét